【2018】Cục quản lý bảo hiểm
Từ ngày 22/10/2014 đến ngày 28/10/2014, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã cử Đoàn công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 21 Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế tại Amsterdam – Hà Lan.
Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (tên tiếng Anh: International Association of Insurance Supervisors, tên viết tắt là IAIS) được thành lập vào năm 1994 với sự tham gia của các cơ quan giám sát, quản lý bảo hiểm của 140 quốc gia.
Từ năm 1999, IAIS có thêm các quan sát viên - là những chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm. Hiện nay, IAIS có hơn 130 quan sát viên bao gồm các hiệp hội bảo hiểm, các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, các tổ chức tài chính quốc tế và các chuyên gia tư vấn.
IAIS hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế ban hành chuẩn mực trong lĩnh vực bảo hiểm nhằm thúc đẩy sự ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm và đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm trong nước và quốc tế.
Năm 2014 là kỷ niệm 20 năm thành lập của IAIS. Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập IAIS đã được diễn ra trọng thể cùng với Hội nghị thường niên lần thứ 21 tại Amsterdam, Hà Lan. Hội nghị thường niên của IAIS năm nay tập trung vào các vấn đề đang là thách thức với cơ quan quản lý bảo hiểm các nước như quản lý rủi ro, quản lý vốn trong điều kiện thị trường tài chính có nhiều biến động. Với gần 400 đại biểu tham dự từ hơn 100 quốc gia, Hội nghị IAIS lần thứ 21 đã diễn ra sôi nổi và thành công tốt đẹp.
Một số chủ đề được thảo luận tại Hội nghị như sau:
1. Thách thức trong quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm
Hội nghị đã đưa ra cái nhìn tổng quan về những thách thức mà cơ quan giám sát bảo hiểm phải đối mặt trong tương lai như: Lãi suất thị trường giảm dẫn đến những khó khăn trong phát triển sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt là các sản phẩm bảo đảm quyền lợi bảo hiểm, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với bảo hiểm; những thay đổi về quy định pháp luật ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp; doanh nghiệp bảo hiểm có xu hướng thiết kế các sản phẩm trong đó chia sẻ rủi ro hoặc chuyển giao rủi ro sang khách hàng; rủi ro hệ thống của ngành tài chính.
Từ cái nhìn tổng quan về những thách thức nêu trên, Hội nghị đưa ra một số điểm lưu ý cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm khi xây dựng các văn bản pháp luật như:
- Xem xét xây dựng quy định dựa trên các điều luật hay dựa trên các nguyên tắc, tạo nên các sân chơi bình đẳng, phù hợp cho doanh nghiệp bảo hiểm;
- Trong quá trình xây dựng quy định pháp luật, cơ quan quản lý cần xem xét mức độ hội nhập, tham chiếu của quy định trong nước đối với quy định và chuẩn mực quốc tế;
- Các quy định cần hướng tới việc đối xử công bằng với các khách hàng, xây dựng hướng dẫn cụ thể bảo đảm tính công bằng và thống nhất;
Trong quản lý, giám sát, cơ quan quản lý cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Tài chính vi mô: thách thức đối với cơ quan quản lý
Bảo hiểm vi mô đóng vai trò quan trọng trong tài chính vi mô với quan niệm gia đình thu nhập thấp có thể tiếp cận các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu của họ.
Tài chính vi mô càng lớn thì càng có tác động tích cực đến phát triển kinh tế và giảm chênh lệch thu nhập. Không có bảo hiểm vi mô, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp không thể có sự bảo đảm tài chính để thoát khỏi đói nghèo.
Những thách thức của tài chính vi mô rộng lớn, không chỉ ở các thị trường đang phát triển mà cả ở những thị trường đã phát triển. Ví dụ như sản phẩm không đáp ứng nhu cầu của người dân, chi phí cao, thiếu thông tin, các điểm loại trừ, các yếu tố về địa lý, thương tật và rào cản văn hóa. Tuy nhiên, hầu hết các thách thức đều xuất phát từ nghèo đói.
Thách thức lớn nhất đối với cơ quan quản lý là cân bằng giữa mục tiêu chính sách như ổn định tài chính, tính cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi khách hàng với cải thiện tài chính vi mô. Cơ quan quản lý cần cố gắng để cân bằng giữa các mục tiêu này nhưng vẫn bảo đảm có những sáng tạo để phát triển tài chính vi mô.
Các trao đổi đề cập đến các biện pháp để đạt được mục tiêu phát triển tài chính vi mô:
- Đào tạo khách hàng để khách hàng có hiểu biết để có được quyết định tài chính đúng đắn;
- Bảo đảm khuôn khổ pháp lý hỗ trợ được kênh phân phối và các sản phẩm rủi ro thấp.
3. Thị trường tài chính và mô hình kinh doanh trong bối cảnh lãi suất đầy thách thức
Các diễn giả tập trung vào ảnh hưởng của thị trường tài chính đối với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là việc lãi suất giảm thấp.
Các doanh nghiệp bảo hiểm với các sản phẩm dài hạn có quyền lợi bảo đảm phải đứng trước thách thức lãi suất giảm. Để giải quyết vấn đề này, không có câu trả lời chính xác mà liên quan đến hàng loạt các hành động có thể như chuẩn mực về vốn, sản phẩm mới, thay đổi mô hình kinh doanh, quản lý tài sản và quản lý, giám sát của cơ quan quản lý.
Để giảm bớt các ảnh hưởng, theo các diễn giả, cần áp dụng một số biện pháp như sau:
- Đối với doanh nghiệp bảo hiểm: cần đánh giá tác động, nghiên cứu sản phẩm, thay đổi sản phẩm phù hợp (sản phẩm mới, định giá lại sản phẩm); đào tạo khách hàng kỹ càng để khách hàng hiểu được sản phẩm và lựa chọn đúng loại hình sản phẩm tham gia; cân đối lợi nhuận từ các thị trường khác nhau, tăng cường chất lượng hoạt động đầu tư.
- Đối với cơ quan quản lý: cần có sự chuẩn bị, tích lũy nguồn lực trước khi sự kiện xảy ra, chấp nhận những thay đổi từ thị trường, can thiệp thị trường ở mức thấp, nghiên cứu kinh nghiệm từ thị trường của các nước khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét